Điều 106 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này”.
Theo từ điển luật học, thì hộ gia đình là “tập hợp nhóm người có quan hệ hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng”. Trên khía cạnh pháp lý, hộ gia đình có các điều kiện sau sẽ có thể là chủ thể quan hệ pháp luật dân sự (vay vốn, mua, bán, thuê, mượn,…) với đặc điểm: các thành viên có tài sản chung; cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định.
Khái niệm tài sản chung của hộ gia đình được hiểu theo quy định tại Điều 108 Bộ luật dân sự. Tài sản chung chính là khối tài sản do các thành viên của cả hộ tạo lập nên trong quá trình tiến hành các hoạt động kinh tế chung và các tài sản mặc dù thuộc sở hữu cá nhân nhưng có thỏa thuận góp vào khối tài sản chung, hoặc các tài sản được sử dụng vào mục đích hoạt động kinh tế chung. Tài sản chung này bao gồm: quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất (gồm cả đất ở và đất canh tác), rừng, rừng trồng của hộ khi được nhà nước giao đất canh tác, trồng rừng cho hộ và các tài sản chung được tạo thành theo các căn cứ được quy định tại Điều 170 Bộ luật dân sự.
Hoạt động kinh tế chung có thể hiểu là việc cùng canh tác trên một thửa ruộng, cùng làm một nghề thủ công như: làm giấy, in tranh, đồ mộc, đồ sành sứ, làm đồ thủ công mỹ nghệ, cùng sản xuất một loại sản phẩm… mà mỗi thành viên phụ trách một công đoạn trong quá trình sản xuất hoặc cùng tạo ra một nhóm sản phẩm và tiến hành phân phối, bán, cho thuê trong một tổng thể… và cùng được hưởng lợi từ các hoạt động kinh tế chung nêu trên. Việc hưởng lợi có thể là trực tiếp (nhận tiền, tài sản chia cho từng người) hoặc thông qua việc thụ hưởng chung các lợi ích như nhà ở, ăn uống, đi lại bằng tài sản chung.
Như vậy, các hoạt động riêng của thành viên hộ gia đình như mua bán phục vụ tiêu dùng cá nhân không được coi là quan hệ của hộ gia đình và hộ gia đình không phải chịu trách nhiệm với hành vi của cá nhân đó (trong trường hợp cá nhân đã thành niên và có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự).
Hộ gia đình tham gia các giao dịch dân sự thông qua đại diện là chủ hộ theo Điều 107 BLDS. Thông thường, người đứng tên chủ hộ trong sổ đăng ký hộ khẩu là người đại diện của hộ gia đình. Chủ hộ phải là người đã thành niên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Chủ hộ có thể uỷ quyền cho thành viên khác đã thành niên làm đại diện cho hộ gia đình. Người được uỷ quyền là thành viên hộ gia đình phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Việc uỷ quyền phải tuân thủ theo các quy tắc chung về uỷ quyền. Giao dịch dân sự do người đại diện của HGĐ xác lập, thực hiện vì lợi ích chung của hộ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả hộ gia đình.