“Chỉ mong thị trường bất động sản chững lại, giá đất hạ xuống để còn có cơ hội mua nhà”, đó là mong mỏi của không ít người trẻ Hà Nội đang có nhu cầu ở thực nhưng phải chứng kiến cơn lốc tăng giá bất động sản.
Lập nghiệp ở Hà Nội 11 năm, thì cũng từng ấy năm, chị Huyền phải thuê nhà ở. Đến khi lấy chồng, sinh con đầu lòng, chị và chồng cũng chỉ dám thuê căn nhà tập thể ở gần sát trung tâm nội thành Hà Nội.
Không muốn mua nhà sớm khi còn quá trẻ, tiền tích lũy còn ít ỏi vì lo ngại gánh nặng tài chính trên vai quá lớn, vợ chồng chị Huyền dự tính sẽ cố gắng tích cóp trong vòng 3 năm khi có số vốn chừng 50-60% giá trị căn nhà. Đến đầu năm 2020, vợ chồng chị Huyền quyết định sẽ mua nhà. Thế nhưng, chị Huyền tìm kiếm ở khu vực như Hoàng Mai, lượng dự án mới ra thị trường gần như không có.
Nếu bỏ tiền ra mua căn hộ đã qua sử dụng tại một số dự án, chị lo ngại vấn đề về mật độ dân cư quá tải. Mặt khác, giá của những căn hộ đã qua sử dụng cũng không hề rẻ. Chần chừ tìm kiếm đến năm 2021, chị Huyền cũng chưa thể tìm được căn nhà nào ưng ý. Ngay cả các dự án đã qua sử dụng, vợ chồng chị đều đi xem từng toà, từng căn hộ nhưng đều lắc đầu ngao ngán vì giá cả đã quá đắt. Căn hộ nào giá rẻ, vừa tầm tiền thì chất lượng đã đi xuống.
Dự tính chuyển sang mua nhà đất, chị Huyền than thở: “Mua nhà đất càng không có khả năng vì thủ tục vay mượn ngân hàng phức tạp hơn. Giá đất vùng ven Hà Nội tăng 50% đến cả 100% chỉ trong 1-3 năm. Không hiểu sao, đất sốt với tăng như vậy. Ai cũng khuyên chúng tôi từ từ hãy mua nhà vì bất động sản đang “ngáo giá” quá. Tôi chỉ mong giá sớm sụt xuống để còn có cơ hội mua nhà ở”.
Cũng tương tự như chị Huyền, vợ chồng chị Nhàn ở Sóc Sơn, Hà Nội “hoa mắt” vì giá nhà đất. Hai vợ chồng chị làm công nhân trong khu công nghiệp, tổng thu nhập 13 triệu /tháng. Năm 2018, vợ chồng chị Nhàn quyết tâm mua đất. Năm đó, vợ chồng chị Nhàn tìm lô đất ở Thanh Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội) với giá 500 triệu đồng cho diện tích 90m2.
“Cả gia tài của chúng tôi chỉ có 200 triệu đồng. Nghĩ mua khi đó lại gánh nợ thêm 300 triệu đồng. Hai vợ chồng lại động viên thôi cố gắng tích lũy thêm”, chị Nhàn kể.
Đến năm 2021, vợ chồng chị Nhàn đã tích cóp được 320 triệu đồng. Chị Nhàn tính sẽ vay thêm họ hàng hai bên thêm 150 triệu đồng. Tuy nhiên, khi đi tìm đất, chị Nhàn bất ngờ vì giá bất động sản tăng 50-100%. Lô đất mà năm 2018 chị dự tính mua đã được chủ sang tên với giá 900 triệu đồng. Để có lô đất tương tự khoảng 70-100m2, ngõ hơn 3m thì tài chính phải khoảng 800-1 tỷ là thấp nhất.
“Tết năm nay, gia đình tôi vẫn phải ở trọ. Lúc nào đi qua văn phòng đăng ký đất đai, thấy đông người tấp nập, tôi lại sốt ruột. Cách đây hơn 1 tuần đi qua khu vực này, thấy không có nhiều người, tôi với chồng còn bảo với nhau: Chắc đất sắp hạ với đóng băng, gia đình mình còn cơ hội mua đất làm nhà”, chị Nhàn kể.
Theo báo cáo của batdongsan.com, đầu năm 2021, việc công bố thông tin quy hoạch nhiều nơi gây ra hiện tượng sốt đất trên diện rộng, trải dài trên nhiều tỉnh thành từ Bắc vào Nam như: Hà Nội (các huyện Đông Anh, Đan Phượng, Thạch Thất), Hải Phòng (huyện Thủy Nguyên), Bắc Ninh (thị xã Từ Sơn)…
Trong khi đó, giá rao bán chung cư tại Hà Nội tăng trung bình từ 2%-8% tại tất cả các phân khúc. Phân khúc bình dân có mức độ tăng giá cao nhất 8% tại Hà Nội tiếp theo đó là phân khúc trung cấp và cao cấp.
TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam thừa nhận, giá bất động sản trong thời gian vừa qua tăng quá so với giá trị thực. Điều này khiến cho những lô đất giá cao khó bán vì ngay cả những nhà đầu tư, họ cũng tính toán cẩn thận giá trị thực của đất.
Về giá chung cư, dự báo trong năm 2022, các chuyên gia cho rằng, kịch bản khả quan hạ giá chung cư là điều khó xảy ra nhất là khi nguồn cung đang khan hiếm. Tình trạng lạm phát, tăng chi phí nguyên vật liệu sẽ khiến cho giá chung cư tăng cao.
Những khó khăn thị trường BĐS Việt Nam có thể phải đối mặt trong 2022?