Công ty Bất Động Sản Phúc MinhVăn bản pháp luậtTư vấn luậtBồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng thương mại

Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng thương mại

Tư vấn luật

Với quy định về các trường hợp miễn trách nhiệm khi có hành vi vi phạm hợp đồng thương mại, đã tạo điều kiện cho các chủ thể có cơ hội được đảm bảo công bằng về quyền và nghĩa vụ khi có những trường hợp mà vì sự kiện nằm ngoài dự đoán của các bên dẫn đến một trong hai bên hoặc cả hai bên trong quan hệ hợp đồng thương mại không thể thực hiện được nghĩa vụ của mình, sẽ được xét để được miễn trách nhiệm. Hợp đồng thương mại, với nhiều chế định dựa trên Bộ luật dân sự thì đây cũng được coi là một sự kế thừa như vậy đồng thời vẫn có những đặc trưng của luật độc lập.

  1. Hợp đồng thương mại và chế định bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng thương mại.
  2. Hợp đồng thương mại

Hợp đồng thương mại là một dạng đặc biệt của hợp đồng mua bán tài sản.

Thứ nhất, về chủ thể thì hợp đồng thương mại được thiết lập giữa các chủ thể chủ yếu là thương nhân. Trong đó, theo quy định tại Luật thương mại thì thương nhân bao gồm tổ hức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thưog mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng kí kinh doanh; chủ thể của hợp đồng thương mại vừa có thể là thương nhân Việt Nam, vừa có thể là thương nhân nước ngoài nếu là hợp đồng thương mại quốc tế. Ngoài ra, có những chủ thể không phải là thương nhân cũng có thể là chủ thể của hợp đồng thương mại hay những chủ thể thỏa thuận hợp đồng mua bán hàng hóa không với mục đích lợi nhuận cũng sẽ phải thực hiện những quy định về hợp đồng thương mại trong Luật thương mại nếu lựa chọn Luật thương mại làm quy phạm điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa.

Thứ hai, chủ thể đại diện các bên giao kết hợp đồng phải đúng thẩm quyền. Đại diện hợp pháp của chủ thể giao kết hợp đồng có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền. Luật thương mại không quy định về vấn đề thẩm quyền này, do đó, cần thực hiện theo quy định về đại diện trong Bộ luật dân sự năm 2005, trong đó cần lưu ý nếu chủ thể không có thẩm quyền giao kết hợp đồng sẽ không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với bên hợp đồng được đại diện, trừ trường hợp được người đại diện hợp pháp của bên được đại diện chấp thuận.[1]

Thứ ba, mục đích và nội dung hợp đồng thương mại không được vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Hàng hóa là đối tượng của hợp đồng không bị cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trong đó, danh mục hàng hóa bị cấm kinh doanh thương mại hiện nay được ban hành kèm theo Nghị định số 11/1999/NĐ-CP ngày 03/3/1999 của Chính phủ và được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 73/2002/NĐ-CP ngày 20/8/2002.

Thứ tư, hợp đồng được giao kết phải đảm bảo các nguyên tắc của hợp đồng theo quy định của pháp luật. Quy định như vậy nhằm bảo đảm sự thỏa thuận của các bên phù hợp với ý chí tưhcj của họ, hướng đến những lợi ích chính đáng của các bên đồng thời không xâm hại đến những lợi ích mà pháp luật cần bảo vệ. Cần tuân theo nguyên tắc: tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng; đây là những nguyên tắc được quy định tại Điều 389 Bộ luật dân sự năm 2005.

Thứ năm, hình thức hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật. Để hợp đồng thương mại có hiệu lực thì nội dung hợp đồng phải được xác lập theo những hình thức được pháp luật thừa nhận. Theo Điều 24 Luật thương mại 2005 thì hợp đồng mua bán hàng hóa được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể; đối với một số loại hợp đồng mua bán hàng hóa mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo quy định đó.

Mặc dù trong Luật thương mại không có quy định cụ thể về hợp đồng thương mại mà chỉ quy định Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác (Khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005); nhưng thông qua những đặc điểm trên có thể rút ra khái niệm về hợp đồng thương mại như sau: Hợp đồng thương mại là sự thỏa thuận giữa các thương nhân với nhau hoặc giữa thương nhân với một bên không phải là thương nhân trong việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại.[2]

  1. Chế định về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng thương mại

Chế định về nhiệm do vi phạm hợp đồng thương mại là các quy định về căn cứ áp dụng trách nhiệm, các hình thức trách nhiệm và các trường hợp miễn trách nhiệm. Những quy định này rất có ý nghĩa đối với việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong quan hệ hợp đồng thương mại cũng như đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Trong đó, bảo về quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên trong quan hệ hợp đồng thương mại; ngăn ngừa và hạn chế vi phạm hợp đồng thương mại, nâng cao ý thức trách nhiệm của các chủ thể trong việc thực hiện hợp đồng.

Căn cứ áp dụng trách nhiệm do vi phạm hợp đồng thương mại

Thứ nhất, có hành vi vi phạm hợp đồng, đây chính là căn cứ pháp lý để pá dụng đối với tất cả các hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng. Hành vi vi phạm hợp đồng thương mại alf xử sự của cácc hủ thể hợp đồng không phù hợp với các nghĩa vụ theo hợp đồng. Biểu hiện rõ ràng nhất là việc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ theo hợp đồng. Ví dụ như hợp đồng mua vật liệu xây dựng giữa A và B ký kết thỏa thuận bên B sẽ giao hàng cho bên A tại kho số 1 của A nhưng B lại giao đến kho 2 cho thuận tiện đường hơn. Như vậy, B đã vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa giữa A và B.

Thứ hai, có thiệt hại vật chất thực tế xảy ra, là thiệt hại do vi phạm hợp đồng thương mại gây ra, là căn cứ bắt buộc phải có khi áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại. Đối với các hình thức chế tài khác thì thiệt hại thực tế có thể coi là tình tiết để xác định mức độ nặng nhẹ của chế tài được áp dụng. Ví dụ như việc làm hư hỏng, mất mát hàng hóa,…Và về nguyên tắc thì ben bị vi phạ chỉ được bồi thường những khoản thiệt hại trong phạm vi do pháp luật quy định.

Thứ ba, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại thực tế. Bên vi phạm sẽ chỉ phải bồi thường thiệt hại khi thiệt hại xảy ra có nguyên nhân tất yếu là hành vi vi phạm hợp đồng. Có thể một hành vi vi phạm dẫn đến nhiều thiệt hại hoặc chỉ có một hành vi vi phạm nhưng lại gây ra nhiều thiệt hại. Bên cạnh đó, việc xác định được mối quan hệ nhân quả là việc rất khó khăn đối với các chủ thể cả bên vi phạm, bị vi phạm và cơ quan tài phán. Do đó, việc xác định phải dựa trên chứng cứ xác thực để đưa ra chế tài chính xác, đúng pháp luật.

Thứ tư, có lỗi của bên vi phạm, đây là hình thức để xác định xem lỗi của bên vi phạm có phải là căn cứ buộc phải có để xét xem hình thức chế tài nào sẽ được áp dụng cho bên vi phạm. Tuy nhiên, vì lỗi là trạng thái tâm lý và nhận thức của con người về hành vi vì thế việc xác định lỗi trong hợp đồng thương mại – loại hợp đồng mà chủ thể hợp đồng đa phần là tổ chức, do vậy,cần xét mức độ lỗi dựa trên yếu tố người đại diện. Đồng thời, bên bị vi phạm và cơ quan tài phán không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của bên vi phạm.

Các hình thức trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa.

Buộc thực hiện đúng hợp đồng, là việc bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng thương mại sẽ phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ theo yêu cầu của bên bị vi phạm hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng thực hiện (tự sửa chữa khuyết tật của hàng hóa, dịch vụ,…) và bên vi phạm phải chịu phí tổn phát sinh.

Phạt hợp đồng là hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng, theo đó bên vi phạm hợp đồng phải trả cho bên bị vi phạm khoản tiền nhất định do pháp luật quy định hoặc do các bên thỏa thuận trên cơ sở pháp luật. Mục đích của chế tài này có thể thấy rõ là sự trừng phạt, tác động vào ý thức của chủ thể vi phạm, giáo dục phòng ngừa vi phạm hợp đồng.

Bồi thường thiệt hại là hình thức chế tài được áp dụng nhằm khôi phục, bù đắp những lợi ích vật chất bị mất của bên bị vi phạm hợp đồng. Do đó, chế tài này chỉ được áp dụng khi có thiệt hại thực tế xảy ra. Theo quy định của Luật thương mại, việc áp dụng chế tài này phải có các căn cứ về: hành vi vi phạm hợp đồng; có thiệt hại thực tế; mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm với thiệt hịa; có lỗi của bên vi phạm. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 307 Luật Thương mại thì trong trường hợp các bên của hợp đồng thương mại không có thỏa thuận phạt vi phạm thì chỉ có thể áp dụng phạt hợp đồng, nếu có quy định thì có thể áp dụng phạt vi phạm hoặc cả hai.

Tạm ngừng, đình chỉ và hủy bỏ hợp đồng.

Tạm dừng thực hiện hợp đồng là việc một bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, trong lúc ngừng không thực hiện hợp đồng thì hợp đồng vẫn có hiệu lực.

Đình chỉ hợp đồng mua bán là hình thức chế tài mà theo đó một bên chấm dứt thực thiện nghĩa vụ hợp đồng thương mại. Khi hợp đồng thương mại bị đình chỉ thực hiện thì hợp đồng chấm dứt hiệu lức từ thời điểm một bên nhận được thông báo đình chỉ.

Hủy bỏ hợp đồng là hình thức chế tài mà một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng và làm cho hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết. Hủy bỏ hợp đồng có thể là việc hủy bỏ một phần nghĩa vụ hợp đồng hoặc hủy bỏ toàn bộ hợp đồng, trong đó, hủy bỏ một phần hợp đồng thì các phần còn lại trong hợp đồng vẫn còn hiệu lực.

Miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng thương mại theo quy định Luật thương mại 2005.

Miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng thương mại trong quy định hiện nay của pháp luật Thương mại chính là việc bên vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng thương mại không bị áp dụng các chế tài mà hợp đồng thương mại đã thỏa thuận.

Nhận thấy, việc xét trách nhiệm của hành vi vi phạm hợp đồng này thực tế cũng chính là dựa trên cơ sở về lỗi của bên vi phạm. Nếu bên vi phạm được xác định là không có lỗi trong hành vi vi phạm hợp đồng của mình thì sẽ được miễn trách nhiệm.

Cùng với đó, việc xác định cho bên vi phạm được miễn trách nhiệm hay không còn phải thỏa mãn một trong bốn trường hợp mà Luật thương mại năm 2005 đã quy định tại Khoản 1 Điều 249:

“1. Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:

  1. a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;
  2. b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng;
  3. c) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;
  4. d) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.”

Đối với từng trường hợp thì các bên cũng sẽ phải thỏa mãn những điều kiện cụ thể để được miễn trách nhiệm khi có hành vi vi phạm hợp đồng thương mại và đồng thời, bên vi phạm cũng đồng thời sẽ là chủ thể phải chứng minh là vi phạm của mình rơi vào các trường hợp được miễn trách nhiệm.

  1. Xảy ra các trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận

Trong hợp đồng thương mại, các bên cũng có thể đã thỏa thuận trước đó những trường hợp vi phạm hợp đồng tuy nhiên lại được miễn trách nhiệm hay nói cách khác là không phải thực hiện chế tài. Đây chính là việc pháp luật tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên tham gia vào hợp đồng thương mại, bởi hợp đồng thương mại vốn dĩ đã là bản thỏa thuận giữa các bên không phụ thuộc vào ý chí của chủ thể nào khác và yêu cầu là không được trái với quy định của pháp luật về hợp đồng thương mại. Do đó, việc các bên tự do thỏa thuận về các trường hợp được miễn thỏa thuận là hoàn toàn chính đáng. Ví dụ như trong trường hợp bên A ký hợp đồng mua bán máy tính với bên B và trong hợp đồng hai bên đã thỏa thuận bên B có thể chậm giao hàng cho bên A muộn nhất là một tuần so với thời hạn trong hợp đồng mua bán máy tính giữa hai bên; việc này đồng nghĩa là bên B có thể giao muộn hàng mà bên A không có quyền yêu cầu bên B bồi thường thiệt hại hay phạt vi phạm hợp đồng đối với B và đồng thời, khi A khởi kiện B ra tòa thì tòa án cũng sẽ không thể chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bên A được.

Như vậy, điều kiện để bên vi phạm hợp đồng thương mại được miễn trách nhiệm trong trường hợp này đó là việc các bên đã thỏa thuận rõ ràng các trường hợp miễn trách nhiệm trong hợp đồng thương mại và đảm bảo các thỏa thuận đó không trái với các quy định pháp luật về hợp đồng thương mại. Thỏa thuận giữa các bên về trường hợp miễn trách nhiệm phải tồn tại trước khi xảy ra vi phạm và có hiệu lực đến thời điểm bên bị vi phạm áp dụng chế tài. Khi hợp đồng được giao kết bằng văn bản, thì thỏa thuận miễn trách nhiệm được ghi nhận trong nội dung hợp đồng hoặc trong phụ lục hợp đồng. Nhưng kể cả khi hợp đồng đã ký kết các bên vẫn có thể thỏa thuận bằng lời nói hoặc hành vi cụ thể hoặc sửa đổi, bổ sung vào hợp đồng các trường hợp miễn trách nhiệm. Khi hợp đồng được giao kết bằng lời nói hoặc hành vi cụ thể thì thỏa thuận miễn trách nhiệm cũng có thể được thể hiện bằng lời nói hoặc hành vi cụ thể. Tuy nhiên, việc chứng minh sự tồn tại một thỏa thuận không bằng văn bản sẽ gặp những khó khăn nhất định.

  1. Xảy ra sự kiện bất khả kháng

Sự kiện bất khả kháng mặc dù là một trường hợp mà Luật thương mại đưa ra nhưng Luật thương mại năm 2005 lại không đưa ra một khái niệm cụ thể cũng như những dẫn chứng thế nào la sự kiện bất khả kháng. Do đó, trong trường hợp này, có thể đưa ra khái niệm về sự kiện bất khả kháng theo những quy định khác của pháp luật. Như theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2005 – bộ luật được coi là luật chung trong khi đó luật thương mại được coi là Luật riêng thì theo Khoản 1 Điều 161 Bộ luật dân sự 2005 quy định: “… Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Tuy nhiên, có thể thấy việc quy định như trong Bộ luật dân sự hiện nay cũng không được rõ ràng và dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng. Tuy nhiên, theo kiến thức chung về sự kiện bất khả kháng thì sự kiện bất khả kháng thường được hiểu là sẽ bao gồm các hiện tượng do thiên nhiên gây ra như lũ lụt, hỏa hoạn, đảo chính, bạo loạn, đình công,… Nếu quy định như vậy thì chưa đầy đủ mà còn cần phải đề cập đến các trường hợp khác: sự kiện đó xảy ra sau khi ký kết hợp đồng; sự kiện đó nằm ngoài ý chí của các bên, vì vậy, nằm ngoài hoạt động của các bên trong hợp đồng; sự kiện đó không thể khác phục được, nghĩa là mọi sự cố gắng khắc phục dều trở nên vô nghĩa.[3]

Ngoài ra, còn các khái niệm khác được áp dụng trên thực tế với những loại hợp đồng dân sự, kinh tế như khái niệm Trở ngại khách quan tại Điểm b Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự nhưng khái niệm này lại không được sử dụng trong hợp đồng thương mại. Hay khái niệm “Hoàn cảnh khó khăn” (Hardship), đây là vấn đề chưa được quy định một cách cụ thể trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Hoàn cảnh khó khăn được nhắc đến trong Bộ nguyên tắc trong hợp đồng thương mại quốc tế (viết tắt là PICC – Principles of International Commercial Contracts) của Viện Thống nhất Tư pháp Quốc tế (viết tắt theo tiếng Pháp là UNIDROIT – Insitute International pour l`Unification des Droits Privé). Đây là bộ quy tắc được áp dụng rất phổ biến trong thuơng mại quốc tế cùng với Công ước Viên 1980 về mua bán hàng hoá quốc tế (CISG – United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods). Phiên bản mới nhất là PICC 2010 đã quy định: “Hoàn cảnh khó khăn được xác lập khi xảy ra các sự kiện làm thay đổi cơ bản sự cân bằng giữa các nghĩa vụ hợp đồng, hoặc do chi phí thực hiện nghĩa vụ tăng lên, hoặc do giá trị của nghĩa vụ đối trừ giảm xuống…[4]

Việc quy định về trường hợp bất khả kháng này là hợp lý và phù hợp với quy định pháp luật vì đây là các trường hợp vi phạm mà hoàn toàn không hề có lỗi của bên vi phạm. Trong trường hợp, hợp đồng các bên là hợp đồng giao hàng mà cố định về thời gian giao thì các bên óc thể không thực hiện hợp đồng còn nếu quy định một thời hạn thì có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn. Còn, các bên không thỏa thuận thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng sẽ được tính thêm thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phụ hậu quả nhưng không được kéo dài quá: 5 tháng đố với hàng hóa mà thời hạn giao không quá 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng; 8 tháng đối với hàng hóa mà thời hạn giao hàng được thỏa thuận trên 12 tháng.

  1. Hành vi vi pham hoàn toàn do lỗi của bên kia.

Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia là trường hợp mà bên vi phạm hợp đồng không có lỗi khi để xảy ra hành vi vi phạm hợp đồng nhưng nguyên nhân dẫn tới hành vi vi phạm hợp đồng trong trường hợp này là hoàn toàn do lỗi của bên kia (bên vi phạm). Lỗi này có thể là hành động hoặc không hành động của bên bị vi phạm.Ví dụ như trong hợp đồng mua bán phụ tùng xe giữa hai công ty A và B thỏa thuận A sẽ chuyển hàng cho B trong thời gian một tuần kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực, sau đó B sẽ có nghĩa vụ chuyển tiền cho A; tuy nhiên, quá thời hạn trong hợp đồng 5 ngày A mới giao hàng mà hai bên không có thỏa thuận về miễn trách nhiệm cho A trong trường hợp này hay A không thuộc bất kỳ trường hợp được miễn trách nhiệm nào thì B sẽ được miễn trách nhiệm hợp đồng ví dụ như chuyển tiền đúng hạn cho A chẳng hạn.

Trường hợp này thể hiện nguyên tắc đối xử tương ứng, một bên không thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng thì bên còn lại cũng có quyền như vậy.

  1. Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng

Việc một bên chủ thể có hành vi vi phạm hợp đồng do thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng là khi nhà nước ra quyết định hay thay đổi những chính sách mà nó ảnh hưởng trực tiếp tới việc thực hiện hợp đồng của một bên hoặc các bên trong quan hệ hợp đồng thương mại. Đây đồng thời cũng là trường hợp mà không hề ít trên thực tế nhất là trong bối cảnh đất nước đang không ngừng đổi mới cũng như hoàn thiện các cơ sở hạ tầng của xã hội. Biểu hiện rõ ràng nhất như những thay đổi chính sách về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch các công trình kỹ thuật đô thị, hay y tế, văn hóa xã hội,…Cụ thể, trong một số trường hợp như A và B ký kết hợp đồng mua bán nguyên liệu sản xuất thịt bò khô nhưng tại khu vực của A là bên bán nguyên liệu bao gồm cả thịt bò lại là nơi đang xảy ra dịch bò điên và cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ra quyết định cấm không được bán thịt bò từ khu vực ấy ra bên ngoài; vì vậy mà nghĩa vụ giao hàng của A không thể thực hiện được.

  • Thực tiễn khi áp dụng các quy định Luật thương mại về các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng thương mại

  1. Những ưu điểm của quy định về miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng thương mại

Thứ nhất, đối với các quy định về trường hợp miễn trách nhiệm khi có hành vi vi phạm hợp đồng trong trường hợp các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng, có thể thấy việc pháp luật đã tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên trong quan hệ hợp đồng nếu nó không trái với quy định pháp luật. Đồng thời, việc tự thỏa thuận này mặc dù không lường trước hết các trường hợp nhưng phần nào cũng giúp các bên tự giác tuân thủ theo hợp đồng mà không cần phải áp dụng tới chế tài.

Thứ hai, việc quy định về sự kiện bất khả kháng đã cho thấy được mức độ bao quát các trường hợp của pháp luật, đồng thời là sự minh bạch, chính xác, công bằng đối với các trường hợp mà lỗi của người vi phạm đã bị loại trừ một cách triệt để. Thông qua đó, đảm bảo được lợi ích của các bên trong hợp đồng thương mại.

Thứ ba, về trường hợp hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn có lỗi của bên kia, đã trao cho các chủ thể quyền được đối xử công bằng. Khi môn bên không thực hiện các nghĩa vụ của mình thì bên kia cũng có quyền đó. Đảm bảo được quyền tự quyết đồng thời quyền tương đương với nghĩa vụ mà mình phải thực hiện. Nguyên tắc này cũng là một trong những nguyên tắc của Luật quốc tế, đặc biệt có ý nghĩa trong thương mại quốc tế như tại Công ước viên năm 1980 quy định tại Điều 80 “một bên không được viện dẫn một sự không thực hiện nghĩa vụ của bên kia trong chừng mực mà sự không thực hiện nghĩa vụ đó là do những hành vi hay sơ xuất của chính họ”, như vậy, Luật thương mại 2005 đã có bước hội nhập với Luật quốc tế trong trường hợp này, đảm bảo được các quyền lợi cho chủ thể trong hoạt động thực hiện hợp đồng thương mại quốc tế.

Thứ tư, về quy định hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng sẽ được miễn trách nhiệm khi áp dụng, đây là quy định đã dự liệu được những trường hợp bất lợi cho một bên trong hợp đồng thương mại và đảm bảo được quyền lợi của họ. Và đồng thời, cũng thể hiện vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong hợp đồng thương mại khi đưa ra những quyết định, chính sách của mình biểu hiện bằng việc nếu là ảnh hưởng bất lợi thì bên vi phạm sẽ được miễn trách nhiệm.

Thứ năm, nghĩa vụ tự chứng minh đã phần nào làm giảm các trường hợp rủi ro do việc cố tình vi phạm của bên vi phạm hợp đồng vào những trường hợp được miễn trách nhiệm.

  1. Những nhược điểm của quy định miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng thương mại

Thứ nhất, đối với trường hợp các bên thỏa thuận về các trường hợp miễn trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng trong hợp đồng trên thực tế lại gặp phải những khó khăn vì sẽ là căn cứ cho những chủ thể cố ý vi phạm thỏa thuận hợp đồng và gây thiệt hại cho chủ thể còn lại do đó cần đưa ra một cơ chế cụ thể để xử lý vấn đề này hoặc khi đưa ra thỏa thuận về miễn trách nhiệm hợp đồng thương mại các bên phải hết sức cân nhắc về vấn đề này.

Thứ hai, đối với trường hợp miễn trách nhiệm do trường hợp bất khả kháng có rất nhiều điểm hạn chế. Khái niệm sự kiện bất khả kháng áp dụng theo Bộ luật dân sự là rất rộng nhưng lại không thông nhất với các khái niệm chung trong thương mại quốc tế dẫn đến khó khăn cho các chủ thể nếu thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa với nước ngoài; điều này càng trở nên quan trọng trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Thứ ba, việc quy định của Luật thương mại 2005 về việc dự liệu hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia để xét miễn trách nhiệm cho bên vi phạm tuy nhiên lại chưa tính đến khả năng vi phạm của một bên xuất phát từ bên thứ ba, mà bên này lại có thể rơi vào các trường hợp mà pháp luật quy định được miên trách nhiệm. Như vậy, các bên có thể có thỏa thuận về các trường hợp miễn trách nhiệm của họ nhưng trong trường hợp không được thỏa thuận, đương nhiên bên vi phạm sẽ không được miễn trách nhiệm. Bên cạnh đó, pháp luật thương mại hiện hành nói chung và Điều 294 Luật thương mại 2005 nói riêng cũng chưa dự liệu trường hợp miễn trách nhiệm do một bên uỷ quyền cho bên thứ ba thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng mà bên thứ ba này vi phạm nghĩa vụ trong một số trường hợp cụ thể.

Thứ tư, việc miễn trách nhiệm được áp dụng khi “hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng” tại điều 294 cũng rất khó hiểu và khó áp dụng. “Các bên” ở trong trường hợp này có nghĩa là cả bên vi phạm và bên bị vi phạm, thế nhưng việc không thể biết quyết định cơ quan nhà nước có thẩm quyền dẫn đến vi phạm hợp đồng chỉ có ý nghĩa đối với bên vi phạm hợp đồng, từ đó khẳng định bên vi phạm hợp đồng không có “lỗi”. Việc bên bị vi phạm có biết hay không thì về bản chất không ảnh hưởng gì đến thái độ của bên vi phạm hợp đồng. Giả sử bên bị vi phạm hợp đồng khi ký hợp đồng biết trước có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chắc chắn dẫn đến việc vi phạm hợp đồng và cứ ký hợp đồng trong khi bên vi phạm hợp đồng không hề biết.Vậy thì trường hợp này có còn là vi phạm do quyết định của nhà nước nữa hay không? Hoặc một vấn đề khác đặt ra tương tự như trong trường hợp các bên đã thỏa thuận là bên vi phạm cũng đã biết trước nhưng cố tình đưa vào những điều khoản sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định nhà nước để vi phạm hợp đồng nhưng vẫn rơi vào trường hợp được miễn. Thêm vào nữa, hiểu thế nào là “không thể biết” để từ đó được miễn trách nhiệm đối với trường hợp này cũng còn quá chung chung. Việc biết sự tồn tại của quyết định của cơ quan nhà nước có buộc phải theo một “kênh chính thống” hay có thể biết bằng nhiều cách khác nhau? Cơ quan quản lý nhà nước có phải thông báo bằng văn bản hay chỉ cần thông báo bằng miệng về quyết định đó thì thương nhân mới “biết”, hay nếu bên bị vi phạm chỉ cần chứng minh các bên biết sự tồn tại của quyết định đó, bất kể “biết” bằng cách nào cũng đều là chứng cứ để bên vi phạm phải gánh chịu trách nhiệm? Đây chính là những bất cập đặt ra cho việc quy định như hiện nay của Điểm d Khoản 1 Điều 294 Luật thương mại 2005.

Thứ năm, những quy định của Điều 294 về các trường hợp miễn trách nhiệm này được đặt ra nhưng lại không hề lưu ý đến trường hợp ảnh hưởng của việc thực hiện hợp đồng tới quyền lợi của bên thứ ba.

  1. Một số giải pháp hoàn thiện quy định miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng thương mại

Thứ nhất, cần phải cẩn trọng trong việc đưa ra những trường hợp miễn trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng để tránh những trường hợp gây thiệt hại, đồng thời với đó cũng sẽ là những chế tài cần được nêu ra làm căn cứ cho các trường hợp cố tính vi phạm. Đặc biệt là tiếp tục duy trì nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên vi phạm.

Thứ hai, đưa ra một khái niệm cụ thể và những hướng dẫn về các trường hợp được coi là sự kiện bất khả kháng sao cho phù hợp với các quy định của thương mại quốc tế để tạo điều kiện cho các chủ thể trong nước được tiếp cận, đồng thời chủ động hơn trong giao kết hợp đồng thương mại với các chủ thể nước ngoài. Hơn nữa, việc bổ sung khái niệm về sự kiện bất khả kháng còn tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho các chủ thể tham gia trong hợp đồng thương mại; còn có thể làm cơ sở cho các hoạt động thương mại khác nếu bị rơi vào trường hợp bất khả kháng như đối với hợp đồng.

Thứ ba, còn rất nhiều lỗ hổng trong trường hợp miễn trách nhiệm hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do của bên kia mà cần phải lưu ý để sửa đổi bổ sung bởi với quy định như vậy dễ dẫn tới các trường hợp “lách luật” bên vi phạm để chốn tránh trách nhiệm của mình với bên bị vi phạm hoặc ảnh hưởng tới chủ thể thứ ba trong hợp đồng. Theo đó, có thể kế thừaquy định của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989 tại Điều 40: “Bên vi phạm hợp đồng kinh tế được xét giảm hoặc miễn hoàn toàn trách nhiệm tài sản trong các trường hợp sau đây: 1) Gặp thiên tai, địch hoạ và các trở lực khách quan khác không thể lường trước được và đã thi hành mọi biện pháp cần thiết để khắc phục ; 2) Phải thi hành lệnh khẩn cấp của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; 3) Do bên thứ ba vi phạm hợp đồng kinh tế với bên vi phạm nhưng bên thứ ba không phải chịu trách nhiệm tài sản trong các trường hợp quy định tại điểm 1 và điểm 2 của điều này…”.

Thứ tư, cần sửa đổi bổ sung về quy định miễn trách nhiệm hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng bởi quy định như vậy là tạo điều kiện cho chủ thể cố ý thực hiện không đúng với hợp đồng mà để khắc phục thì cần đưa vào một hướng thống nhất trong việc xác định thế nào là “biết” trong trường hợp này. Cụ thể, ta có thể quy định là khi có quyết định chính thức của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, công bố trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc là bằng văn bản gửi tới một hoặc các bên có liên quan trong hợp đồng thương mại. Cùng với đó, để thực hiện được điều này đòi hỏi sự minh bạch và đảm bảo về bí mật thông tin trước khi được công bố của chủ thể là cơ quan nhà nước trong việc ra quyết định của mình để đảm bảo được công bằng cho các chủ thể trong quan hệ hợp đồng này. Bên cạnh đó, việc đưa ra quyết định của cơ quan nhà nước có thể thấy là ảnh hưởng tới cả hai chủ thể là bên vi phạm hợp đồng và bên bị vi phạm hợp đồng, vì vậy cần đưa ra một cơ sở để xác định mức độ lỗi của bên vi phạm xem có phù hợp để được áp dụng trường hợp miễn trách nhiệm này không.

KẾT LUẬN

Có thể thấy bên cạnh việc tiến bộ trong quy định của pháp luật Việt Nam về hợp đồng thương mại đã lường trước những rủi ro mà các chủ thể vi phạm hợp đồng có thể gặp phải mà không có lỗi để được xét miễn trách nhiệm nhưng cũng đồng thời còn rất nhiều bất cập cần phải sửa đổi để đảm bảo công bằng cũng như quyền lợi của các chủ thể trong quan hệ hợp đồng thương mại. Bởi những quy định cần sửa đổi không chỉ phù hợp với điều kiện trong nước mà còn hướng tới ý nghĩa cho các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng thương mại có một bên là nước ngoài trong điều kiện kinh tế hội nhập và nhu cầu giao lưu thương mại quốc tế đang rất cao như hiện nay. Việc quy định này không chỉ thể hiện được tinh thần hội nhập của Việt Nam với nước ngoài mà còn bảo vệ được quyền lợi cho các chủ thể là thương nhân Việt Nam. Do vậy, nhất thiết cần phải có sự sửa đổi bổ sung quy định về miễn trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng trong Luật thương mại năm 2005.

————————————————————————–

  1. Giáo trình Luật thương mại, Trường Đại học Luật Hà Nội, nxb. Công an nhân dân, 2009;
  2. Luật thương mại năm 2005, nxb. Tư pháp, 2014;
  3. Bộ luật dân sự năm 2005, nxb. Tư pháp, 2013;
  4. Trần Văn Duy, Suy nghĩ về miễn trách nhiệm do bất khả kháng trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế hiện nay, http://www1.vinamarine.gov.vn
  5. Hợp đồng trong hoạt động thương mại ở Việt Nam hiện nay – Những vấn đề lý luận và thực tiễn pháp lý, Lê Thị Giang, Luận văn thạc sĩ Luật học, 2011.
  6. Bình luận về miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng tại Điều 294 Luật thương mại 2005, ThS. Bùi Hưng Nguyên.
  7. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng trong hoạt động thương mại : luận văn thạc sĩ luật học, Nguyễn Thị Thu Huyền – TS. Phan Chí Hiếu hướng dẫn,
  8. Chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại, http://www.vcci.com.vn/phap-luat/20140811111938687/che-tai-phat-vi-pham-va-boi-thuong-thiet-hai-trong-hop-dong.htm
  9. http://www.haiphong.gov.vn

[1] Giáo trình Luật thương mại, trường Đại học Luật Hà Nội, nxb. Công an nhân dân, 2009, tr.30

[2] Hợp đồng trong hoạt động thương mại ở Việt Nam hiện nay – Những vấn đề lý luận và thực tiễn pháp lý, Lê Thị Giang, Luận văn thạc sĩ Luật học, 2011, tr.17

[3] Hợp đồng trong hoạt động thương mại ở Việt Nam hiện nay – Những vấn đề lý luận và thực tiễn pháp lý, Lê Thị Giang, Luận văn thạc sĩ Luật học, 2011, tr.37

[4] Bình luận về miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng tại Điều 294 Luật thương mại 2005, ThS. Bùi Hưng Nguyên.

XEM THÊM:

? 125 Đổng Quốc Bình, Quận Ngô Quyền, Hải Phòng
☎ Hotline tư vấn bán nhà đất : 0925.069.069
☎ Hotline tư vấn đăng tin: 0814.920.920
? Website : https://www.muabannhahaiphong.com/ | https://www.phucminhland.com/
? Fanpage: https://www.facebook.com/congtyphucminh
? Kênh đăng tin số 1 về bất động sản.
HỖ TRỢ ĐĂNG TIN
HỖ TRỢ TƯ VẤN
THAN PHIỀN CHẤT LƯỢNG
HỖ TRỢ MÔI GIỚI